Taxnet
Các trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
28 /09 2024

Các trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Các trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giúp người lao động giữ được quyền lợi cho mình khi bị bất ngờ chấm dứt hưởng trợ cấp hoặc chưa kịp hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy, trong trường hợp nào người lao động không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp? Hãy cùng Taxnet tìm hiểu kiến thức thông qua bài viết dưới đây nhé.

1. Bảo hiểm thất nghiệp có được bảo lưu không?

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ an sinh xã hội quan trọng mà mọi người lao động đều quan tâm, đặc biệt là trong tình huống bị mất việc. Tuy nhiên, vì một số lý do mà người lao động chưa kịp hưởng hoặc bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lúc này, bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp là phương án tối ưu giúp người lao động bảo vệ quyền lợi cho mình.

Vậy, bảo hiểm thất nghiệp có bảo lưu được không? Câu trả lời là Có! Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà hưởng chưa hết thời gian, hoặc chưa hưởng thì sẽ được bảo lưu và tính cộng dồn cho lần hưởng sau khi đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật.

2. Bảy trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người lao động cũng được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Theo Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 9, Điều 1, Nghị định 61/2020/NĐ-CP), có một số trường hợp người lao động không được bảo lưu BHTN gồm:

2.1 Hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp được tính bằng tổng thời gian đóng BHTN trừ đi thời gian đóng đã được hưởng. Trong đó, 1 tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 12 tháng đã đóng BHTN. Trong trường hợp người lao động chưa hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tính thời gian bảo lưu ra kết quả âm thì cũng coi là đã hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2.2 Người lao động bị phạt hành chính do vi phạm pháp luật về BHTN

Người lao động bị xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm luật BHTN như: Thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc và BHTN, tham gia BHTN không đúng đối tượng, tham gia BHTN không đúng mức quy định, v.vv.. Trong trường hợp này, người lao động được xem là làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHTN để trục lợi cá nhân và sẽ không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, thậm chí phải tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2.3 Người lao động từ chối việc làm được giới thiệu 2 lần mà không có lý do chính đáng

Căn cứ vào Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng BHTN mà bị chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn và giới thiệu việc làm mới. Hoạt động tư vấn này là hoàn toàn miễn phí, dựa trên nhu cầu và khả năng của người lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của thị trường việc làm. Dù vậy, nếu người lao động từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ giới thiệu từ 2 lần mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và cũng không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.

2.4 Người lao động không thông báo tình hình tìm kiếm việc làm trong 3 tháng liên tiếp

Theo Khoản 1, Điều 52 Luật Việc làm 2013, người lao động phải thông báo tình hình tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu có tháng nào người lao động không thông báo tình hình với trung tâm thì sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của tháng đó. Phải chờ đến tháng tiếp theo để đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm thì người lao động mới được tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, nếu có 3 tháng liên tục người lao động không thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm cũng sẽ không bảo lưu BHTN cho người lao động này đối với thời gian chưa hưởng trợ cấp

2.5 Người lao động đi xuất khẩu lao động hoặc ra nước ngoài định cư

Người lao động đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đi ra nước ngoài để định cư hoặc đi xuất khẩu lao động, làm việc tại nước ngoài thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, những người lao động này cũng sẽ không được cơ quan bảo hiểm bảo lưu BHTN nữa.

2.6 Người lao động đang hưởng lương hưu

Theo luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà làm thủ tục hưởng lương hưu thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay từ ngày đầu tiên tính hưởng lương hưu. Kể cả khi còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng, người lao động cũng không được bảo lưu BHTN.

2.7 Người lao động qua đời

Nếu người lao động chết và được cấp giấy chứng tử thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ra quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi trợ cấp thất nghiệp đã chấm dứt, người lao động cũng không thể bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp nữa.

Nhìn chung, các trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Hết thời gian hưởng, bị phạt do vi phạm luật BHTN, từ chối việc làm được giới thiệu 2 lần, không báo cáo tình hình việc làm cho trung tâm dịch vụ, ra nước ngoài làm việc hoặc định cư, đang hưởng lương hưu và đã qua đời. Ngoài các trường hợp này, người lao động được phép bảo lưu BHTN để bảo vệ quyền lợi cá nhân trong giai đoạn chấm dứt hợp đồng lao động, chưa kiếm được việc làm.

Nguồn: Topcv.vn

 

0 Bình luận
Viết bình luận của bạn

Giỏ hàng